Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19
TTĐT - Sáng 06-12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 lần thứ 3 - Industry Summit 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH,HĐH) trong kỷ nguyên số".
Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đồng chủ trì Diễn đàn.
Tham dự tại điểm cầu Bình Dương có ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành.
Đây là lần thứ 3, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn. Các diễn đàn thường niên đều thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng trong nước và quốc tế, góp phần vào việc tham mưu xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó có chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Diễn đàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cụ thể là các mục tiêu liên quan đến CNH, HĐH đất nước.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Bình Dương
Diễn đàn tập trung vào hai nội dung nền tảng quan trọng: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sắp tới là hậu Covid-19, phải hành động để tiếp tục vượt qua và khắc phục những thiệt hại, khó khăn, bất cập, tồn tại. Từ đó, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và theo hướng CNH, HĐH như Nghị quyết của Đảng đã đề ra cho giai đoạn tới đây. Đồng thời kế thừa những đường lối, quan điểm về CNH, HĐH trong các kỳ đại hội trước, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng được một Nghị quyết mới của Trung ương về CNH, HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Diễn đàn đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng , chống dịch Covid-19. Theo đó có 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch; an sinh xã hội; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển; hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tiến sĩ Mary C.Hallward-Driemeier – Cố vấn Kinh tế cấp cao về Tài chính, Năng lực cạnh tranh và Đổi mới sáng tạo, Ngân hàng Thế giới (WB) đã khái quát về tương lai kinh tế toàn cầu và các gợi ý chính sách cho Việt Nam. 03 xu hướng của toàn cầu trong thời gian tới: Công nghiệp 4.0 đang tăng tốc nhưng không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và phân khúc của các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC); Toàn cầu hóa và các mô hình của GVC đang điều chỉnh, theo chủ nghĩa dân túy đang gia tăng, căng thẳng thương mại, cũng như những quan ngại lớn hơn về khả năng chống chịu và thích ứng với các cú sốc; dịch vụ hóa cũng đang tăng tốc, đặc biệt là với mức độ số hóa sâu sắc hơn.
Cũng tại Diễn đàn, các chuyên gia, đại biểu, lãnh đạo các Bộ, ngành đã trình bày các tham luận về công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số; đổi mới sáng tạo để phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19; góp ý đối với Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng, chống dịch Covid-19; kiến nghị về mô hình, chính sách đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới…
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, tại Diễn đàn, các chuyên gia, đại biểu, lãnh đạo các Bộ, ngành đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp sâu sắc mang tầm chiến lược có ý nghĩa quan trọng góp phần vào việc tham mưu xây dựng các chủ trương về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó có chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam đang thực hiện 2 chương trình song hành với nhau về chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững và phòng, chống dịch Covid-19. Phục hồi phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới cần cả 2 yếu tố: nội lực (con người, thiên nhiên, văn hóa) được xác định là chiến lược lâu dài và ngoại lực (vốn, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực) có ý nghĩa quan trọng mang tính đột phá…