TTĐT - Sáng 15-4, trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức Lễ công bố Đề án đào tạo chuyển đổi số và Quyết định thành lập Trung tâm Dự báo.
Tham dự có lãnh đạo một số sở, ban ngành tỉnh, đại diện các trường đại học, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Theo Đề án, trường Đại học Thủ Dầu Một sẽ phối hợp với Trung tâm phát triển phần mềm, Đại học Đà Nẵng đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi số, công nghệ số cho cán bộ công chức, người lao động, sinh viên, học sinh và người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Đề án hướng đến mục tiêu chuyển đổi nhận thức và hành động của cán bộ công chức, người lao động, sinh viên, học sinh, người dân và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển đổi số; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 70% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến, cơ bản nắm được cách thức sử dụng khi có nhu cầu; 100% cán bộ lãnh đạo, 60% cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước hàng năm được tham gia tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số; 100% cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin được đào tạo về công nghệ số và được đánh giá trực tuyến kết quả đào tạo qua hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số Quốc gia; 60% sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, xã hội được đánh giá trực tuyến kỹ năng số qua Hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số Quốc gia; 60% giáo viên dạy các môn học về tin học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ, kỹ thuật và nghệ thuật trong các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giáo dục STEM/STEAM, kỹ năng số và đánh giá trực tuyến kỹ năng số qua Hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số Quốc gia.
Chương trình đào tạo gồm 3 cấp độ: cơ bản (đối tượng đại chúng), nâng cao (đội ngũ chuyên môn, tác nghiệp) và chuyên sâu (cấp quản lý, chiến lược). Từ tháng 06/2022 trường bắt đầu tổ chức đào tạo các khóa chuyển đổi số cấp độ cơ bản và từ tháng 10/2022 đào tạo chuyển đổi số cấp độ nâng cao. Giai đoạn 2024-2025 sẽ triển khai các khóa học về chuyển đổi số cấp độ chuyên sâu theo hình thức đặt hàng trọn gói, bên cạnh các khóa đào tạo cơ bản và nâng cao.
Ra mắt Ban điều hành và Tổ chuyên gia tư vấn Đề án
Buổi lễ đã công bố Quyết định thành lập Ban điều hành Đề án gồm 7 thành viên và Tổ chuyên gia gồm 14 thành viên là các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ số.
Dịp này, trường Đại học Thủ Dầu Một ra mắt Trung tâm Dự báo. Trung tâm có nhiệm vụ nghiên cứu dự báo phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ. Cụ thể, dự báo lan truyền Covid-19 biến chủng mới, tình hình di dân tự do ở Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ, tình hình phân tầng xã hội ở Bình Dương và khu vực, sự hồi phục kinh tế, tài chính sau đại dịch Covid-19. Nghiên cứu mô phỏng tính chất vật liệu mới, nghiên cứu hấp thụ khí độc trên vật liệu 2 chiều, định hướng chế tạo cảm biến khí, cảm biến phát hiện sớm ung thư; mô phỏng liên ngành Lý, Hóa, Sinh trong sàng lọc cây thuốc, điều trị hướng đích trong y học.
Ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, khác với việc ứng dụng công nghệ thông tin đơn thuần trước đây, chuyển đổi số là sự thay đổi mang tính toàn diện trong cách quản lý, điều hành của chính quyền, cách thức sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, cách sống, làm việc và sự bình đẳng của người dân dựa trên công nghệ số và dữ liệu số. Do đó cần chuyển đổi nhận thức của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cần đào tạo chuyển đổi số cho từng ngành, lĩnh vực. Ông đánh giá, Đề án đào tạo chuyển đổi số của trường Đại học Thủ Dầu Một đang hiện thực hóa những yêu cầu, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao trong Kế hoạch về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, hiện nay Bình Dương đang triển khai Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC), nên rất cần nguồn nhân lực được đào tạo chuyển đổi số. Ông tin tưởng với sự tâm huyết của lãnh đạo trường Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Đà Nẵng, của các chuyên gia đầu ngành có nhiều kinh nghiệm, Đề án đào tạo chuyển đổi số và Trung tâm Dự báo sẽ góp phần to lớn cho công cuộc chuyển đổi số không chỉ trên địa bàn tỉnh Bình Dương mà còn lan tỏa cả vùng Đông Nam bộ và nhiều vùng khác trên cả nước.