Bình Dương tăng tốc chuyển đổi số trong giai đoạn mới
TTĐT - Chiều 31-3, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh chủ trì cuộc họp nghe Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành báo cáo dự thảo Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2022; tiến độ triển khai Trung tâm điều hành thành phố thông minh (IOC).
Theo đề xuất, trong năm 2022, tỉnh tập trung ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng của tỉnh; tạo điều kiện, cơ sở để tăng tốc chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn mới.
Cụ thể, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%; 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện ở mức độ 3, 4; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 70% trở lên; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100% (đối với thủ tục hành chính tiếp nhận tại Bộ phận một cửa); nâng bậc xếp hạng Chỉ số DTI (chỉ số chuyển đổi số) tỉnh lên TOP 25, trong đó chú trọng nâng cao điểm đánh giá trong hạng mục Chính quyền số và Xã hội số; hình thành Kho dữ liệu dùng chung được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia và cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước của tỉnh để phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; đưa vào khai thác Trung tâm IOC giai đoạn 1 và bước đầu hình thành Trung tâm IOC của UBND cấp huyện: TP.Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và TX.Bến Cát thực hiện trên một số dịch vụ, lĩnh vực cho đô thị thông minh; xây dựng và thực hiện Đề án Chuyển đổi số cho các ngành ưu tiên như: Giáo dục, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải…
Toàn cảnh cuộc họp
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng số, kinh tế số và xã hội số với tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 90%; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 90%; tỷ lệ hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%; tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ thương mại điện tử đạt từ 50% trở lên; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt từ 65 - 70%; đưa 38 sản phẩm đã được chứng nhận đạt OCOP trong năm 2021 của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có sản phẩm tiêu biểu phù hợp để hướng tới đạt được chứng nhận OCOP; phấn đấu đạt 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số trong doanh nghiệp (SMEdx).
Đối với tiến độ triển khai Trung tâm IOC, tỉnh đã triển khai thực hiện bước đầu và đạt được một số kết quả nhất định. Thời gian tới, tỉnh xây dựng ứng dụng di động phục vụ người dân và doanh nghiệp cung cấp trên 02 nền tảng di động (nền tảng Android và IOS), đáp ứng yêu cầu giao tiếp của người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Tổ chức Lễ công bố thành lập Trung tâm IOC tỉnh.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ban, ngành đã thảo luận một số nhiệm vụ triển khai thực hiện trong năm 2022 và thời gian tới. Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành phối hợp rà soát lại các nhiệm vụ cho sát thực tế, khi triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với đề xuất chọn ngày tổ chức Lễ công bố Trung tâm IOC tỉnh. Thành lập các tổ thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, trong đó có các tổ cộng đồng hướng dẫn người dân chuyển đổi số.